Xóa mù lập trình ở vùng cao
Ngày 07/07/2023

Xóa mù lập trình ở vùng cao

Hình đại diện của người dùng
Tác giả
bang ng

Vòng Chung kết cấp quốc gia cuộc thi Sáng tạo Robotics 2021 do Trung ương Đoàn tổ chức là dịp tỏa sáng của Trường THPT Bình Gia (tỉnh Lạng Sơn) với thành tích cả hai đội robot đều giành được giải Ba. Đó là kết quả xứng đáng cho những nỗ lực không mệt mỏi của thầy trò một huyện vùng cao thuộc loại nghèo nhất cả nước.

Từ sự bình đẳng giữa các vùng địa lý…

Nằm tại thị trấn Bình Gia của huyện miền núi Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn, cách Hà Nội chừng 170 km, năm học 2020 – 2021 Trường THPT Bình Gia đã chủ động thành lập câu lạc bộ robot với 20 học sinh và đồng thời tiến hành xóa mù lập trình cho 100% học sinh toàn trường thông qua các tiết học ở phòng lab ROBOTICS trong giờ học công nghệ thông tin. Phấn chấn với những kết quả bước đầu đạt được, sau giải Ba Robotics, ngày 27/12/2021, nhóm học sinh THPT Bình Gia đã cùng với các bạn hai trường THPT chuyên Cao Bằng và Lạng Sơn bắt đầu khóa học ngôn ngữ lập trình Python, một ngôn ngữ lập trình phổ biến nhất hiện nay ở các trường đại học lớn của Mỹ cũng như thế giới. Phòng lab robot của THPT Bình Gia được trang bị tốt hơn hẳn đa số các trường THPT ở các thành phố lớn vốn có điều kiện hạ tầng vượt trội…

Bước chuyển mình của ngôi trường hẻo lánh được khởi nguồn từ sự nhiệt tình của Ban Giám hiệu khi làm mới công tác cựu học sinh theo định hướng đổi mới giáo dục phục vụ chuyển đổi số. Tháng 3 năm 2021, gia đình các cựu học sinh mua tặng nhà trường 12 hộp robot do Học viện Kidscode STEM của Việt Nam sản xuất với tổng trị giá gần 30 triệu đồng. Tháng 12 năm 2021, Quỹ “Ươm mầm tài năng THPT Bình Gia” do các cựu học sinh và các nhà hảo tâm quyên góp, tặng thêm một bộ robot VEX IQ, món quà khiến phòng lab STEM robotics trường Bình Gia có được bộ robot đầu bảng của Mỹ. Trong mấy ngày cuối năm 2021, học sinh THPT Bình Gia đã bắt đầu dùng ngôn ngữ lập trình Python để lập trình cho robot VEX, một thành tựu có thể sánh vai với các trường trung học Mỹ. Kết quả ở Bình Gia cho thấy, thách thức xóa mù lập trình được hóa giải dễ dàng khi nhà trường xác định rõ mục tiêu lẫn quyết tâm hành động, bất kể điều kiện ban đầu thiếu thốn tới đâu.

Cuộc thi robot mô phỏng Chiến thắng Phố Lu của học sinh huyện vùng cao Bảo Thắng tỉnh Lào Cai tháng 4 năm 2021.

…đến lãnh đạo ngành giáo dục chớp thời cơ

THPT Bình Gia dễ dàng vươn lên trong xu thế xóa mù lập trình có căn nguyên do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Lạng Sơn luôn quan tâm thúc đẩy giáo dục STEM trong nhiều năm qua. Chính sự quyết liệt và chuyên nghiệp của lãnh đạo ngành giáo dục tỉnh tác động mạnh mẽ các cựu học sinh tài trợ hơn 100 con robot cho tất cả 30 trường THPT toàn Lạng Sơn. Hiện nay 100% các trường THPT của tỉnh đều đã có ít nhất 3 hộp robot ở mỗi trường. Sở GD & ĐT Lạng Sơn còn mời nhóm chuyên gia STEM của Thạc sĩ Hoàng Vân Đông (Học viện Kidscode STEM) tập huấn lập trình robot nhiều đợt cho các giáo viên của tất cả 30 trường THPT trong toàn tỉnh theo hình thức trực tuyến và trực tiếp. Tất cả các trường THPT đã sẵn sàng cho cuộc thi robot toàn tỉnh vào đầu năm 2022, nếu không bị hoãn do dịch Covid-19 thì cuộc thi này đã được tổ chức ngày 14/12/2021.

May mắn không riêng Lạng Sơn, 100% các trường THPT của tỉnh Cao Bằng cũng đã được các cựu học sinh tặng mỗi trường 2 hộp robot. Sở GD & ĐT Cao Bằng đã tổ chức mời các chuyên gia STEM tập huấn giáo viên cho tất cả 30 trường THPT cả tỉnh theo chủ đề lập trình robot và chuẩn bị cho cuộc thi đấu robot toàn tỉnh trong năm 2022. Ở vòng chung kết của cuộc thi robot cấp quốc gia vừa qua, trường THPT chuyên Cao Bằng đoạt giải Nhì. Trước đó vào dịp cuối năm học 2020-2021, sau khi được gia đình các cựu học sinh tặng 10 hộp robot cho câu lạc bộ STEM, nhà trường đã tổ chức thành công cuộc thi lập trình robot đầu tiên vào tháng 5 năm 2021. Lạng Sơn và Cao Bằng đã khởi động tiến trình xóa mù lập trình (Coding Literacy) ở tất cả các trường THPT chính bằng sự nhiệt tình của lãnh đạo ngành giáo dục, của các cựu học sinh và các nhà hảo tâm.

Từ kinh nghiệm phối hợp với Sở GD & ĐT các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, ngay trong tháng 1 năm 2022, những thành viên của Liên minh STEM, Tiến sĩ Đặng Văn Sơn và Thạc sĩ Hoàng Vân Đông tiếp tục thực hiện kế hoạch “Hỗ trợ phát triển Giáo dục STEM thúc đẩy chuyển đổi số cho các trường THPT Hà Giang”. Cũng trong tháng 1, giáo viên và cán bộ quản lý của toàn bộ 100% trường THPT của Hà Giang được tập huấn bởi các chuyên gia của Liên minh STEM. Một nhà hảo tâm đã nhờ Liên minh STEM mua hộ 180 hộp robot của Học viện Kidscode STEM để trao tặng cho tất cả 36 trường THPT Hà Giang, mỗi trường 5 hộp robot để lập phòng lab robot và câu lạc bộ robot giúp các trường của Hà Giang có các phòng lab đủ robot ở mức tối thiểu 5 hộp robot theo quy định đối với chuyên đề “Khoa học máy tính”, một chuyên đề tự chọn trong chương trình mới của môn Tin học khối lớp 10. Trang bị dù còn tối thiểu cũng giúp Hà Giang thành công trong việc xóa mù lập trình (Coding Literacy) cho 100% học sinh và giáo viên toàn tỉnh ngay trong năm 2022. Tỉnh dự kiến tổ chức thi đấu lập trình robot trên quy mô tất cả các trường THPT vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Đoàn 26/3. Những thí dụ ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang cho thấy sự nhiệt tình và thái độ làm việc nghiêm túc của các Sở GD & ĐT là yêu cầu trước hết để các cựu học sinh và nhà hảo tâm mua tặng hàng trăm hộp robot, cùng vào cuộc để biến ước mơ xóa mù lập trình cho học sinh vùng cao thành hiện thực.

Các học sinh của CLB STEM THPT Chuyên Cao Bằng xem tiết mục biểu diễn robot của khách mời Đỗ Hoàng Minh, trưởng ban lập trình (khoá 2019-2020) CLB robot GART 6520 tTHPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam, tháng 5/2021 ở thành phố Cao Bằng.

Lan tỏa ra cả nước

Tháng 8 năm 2017, ông Trình Văn Nhã, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An (khi đó là Phó Chủ tịch huyện) đã cùng 17 thầy giáo, cô giáo và cán bộ UBND huyện nghiêm túc ngồi học lớp xóa mù STEM và xóa mù lập trình để làm quen kiến thức mới cũng như những kinh nghiệm thúc đẩy giáo dục STEM của huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình), Nam Trực (Nam Định), những địa phương tiếp cận với giáo dục STEM từ năm học 2014-2015. Ngay sau buổi học đó, ông Trình Văn Nhã đã chỉ đạo Phòng Giáo dục lên kế hoạch mời chuyên gia tập huấn dục STEM cho gần 400 giáo viên và hiệu trưởng các trường trong huyện. Khi thấy UBND huyện và ngành giáo dục tràn đầy hưng phấn thúc đẩy giáo dục STEM và xóa mù lập trình, các cựu học sinh đã cùng các nhà hảo tâm mua tặng các trường trong huyện ngay trong năm 2017 hơn 200 hộp robot và 15 máy in 3D. Kể từ năm học 2017-2018 tới nay, Thanh Chương luôn tổ chức cuộc thi robot và ngày hội STEM trong toàn huyện với khoảng 50 đội tham gia, một điểm sáng đã được nhân rộng ở địa bàn dọc tuyến biên giới Việt- Lào.

Từ những ghi nhận bước đầu đầy lạc quan ở các trường miền núi, vùng cao, biên giới…, để Xóa mù lập trình lan tỏa trong học sinh cả nước, việc đầu tiên mà các cấp chính quyền và ngành giáo dục cần làm là xác định rõ mục tiêu. Việc Xóa mù lập trình cho học sinh cần phải trở thành tiêu chí xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ chuyển đổi số của chính quyền và ngành giáo dục các cấp. Khi đã có mục tiêu rõ ràng thì kêu gọi sự trợ giúp của các cựu học sinh và các nhà hảo tâm sẽ không là trở ngại bởi một phòng lab robot tối thiểu chỉ cần 5 hộp robot (tổng trị giá khoảng 10 triệu đồng) đã có thể dạy lập trình cho 40 học sinh trong một phòng lab STEM Robotics. Nếu mua được nhiều robot hơn, việc dạy học sẽ thuận tiện hơn. Với đa số trường THPT, huy động số tiền 10 triệu đồng từ nguồn lực xã hội là việc trong tầm tay. Mục tiêu được xác định sẽ thuận tiện Lập kế hoạch để Xóa mù lập trình. Khi chưa vào cuộc, còn bỡ ngỡ lúng túng, Phòng GD & ĐT huyện Yên Thành (Nghệ An) kêu gọi các cựu học sinh hỗ trợ. Cựu học sinh Yên Thành lập tức đóng góp kinh phí tập huấn giáo viên và mượn hộ 80 hộp robot trong 5 tháng sao cho mỗi trường ít nhất có một hộp robot để học lập trình và thi đấu robot. Sau vài tháng, tất cả các trường tiểu học và trung học cơ sở của Yên Thành đã tham gia được cuộc thi lập trình robot của huyện. Kinh nghiệm từ Thanh Chương giúp Yên Thành nhập cuộc nhanh chóng và hiệu quả…

Thực tế từ hàng trăm trường ở nông thôn và vùng cao cho thấy việc tập huấn giáo viên theo chuyên đề về lập trình không khó như đứng ngoài nhìn vào. Giáo viên môn Tin học thường đã được đào tạo bài bản về lập trình nên tiếp thu rất nhanh khi chuyển sang lập trình robot. Hiện nay các công nghệ dạy lập trình thông qua robot ngày càng được hoàn thiện, các ngôn ngữ lập trình như kiểu kéo thả SCRATCH đơn giản tới mức học sinh lớp 1 cũng có thể học được dễ dàng. Thách thức lớn nhất để Xóa mù lập trình, thúc đẩy giáo dục STEM chính là nhận thức của lãnh đạo ngành giáo dục và chính quyền các cấp trong việc chỉ đạo đổi mới giáo dục và thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số.

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

HỘI THẢO “GIÁO DỤC STEM BẬC PHỔ THÔNG Ở VÙNG CAO – NÔNG THÔN”: TẠO ĐÀ VƯỢT KHÓ ĐỂ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO
Ngày 06/10/2024

HỘI THẢO “GIÁO DỤC STEM BẬC PHỔ THÔNG Ở VÙNG CAO – NÔNG THÔN”: TẠO ĐÀ VƯỢT KHÓ ĐỂ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO

Ngày 02/10/2024, tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cơ sở Hoà Lạc, Hà Nội, hội thảo "Giáo dục STEM bậc phổ...
Xem chi tiết
Chương Trình Tập Huấn Giáo Viên Huyện Lục Yên – Yên Bái: Nâng Cao Năng Lực Giáo Dục STEM
Ngày 25/08/2024

Chương Trình Tập Huấn Giáo Viên Huyện Lục Yên – Yên Bái: Nâng Cao Năng Lực Giáo Dục STEM

Lục Yên, một huyện miền núi thuộc tỉnh Yên Bái, nằm ở phía Đông Bắc và cách trung tâm tỉnh 90km. Với tổng diện tích...
Xem chi tiết
Tập Huấn Giáo Viên STEAM Tiểu học tại Lào Cai: Nâng Cao Năng Lực Chuyển Đổi Số Cho Đội Ngũ Giáo Viên
Ngày 10/08/2024

Tập Huấn Giáo Viên STEAM Tiểu học tại Lào Cai: Nâng Cao Năng Lực Chuyển Đổi Số Cho Đội Ngũ Giáo Viên

Từ ngày 31 tháng 7 đến ngày 2 tháng 8 năm 2024, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai đã tổ chức chương...
Xem chi tiết