Ngày 23.12, Trường THCS Gia Thanh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ đã tổ chức hội thảo “Đưa di sản sống vào trường học thông qua giáo dục STEM”, chủ đề STEM nón lá.
Đây là hoạt động đầu tiên sau khi bài giảng STEM nón lá của Trường THCS Gia Thanh nhận giải thưởng của UNESCO về Đổi mới sáng tạo trong dạy học Toán và Khoa học cuối tháng 10 vừa qua.
Hiệu trưởng Trường THCS Gia Thanh Ngô Ngọc Thụy cho biết, xác định giáo dục STEM là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong quá trình đổi mới toàn diện giáo dục phổ thông, trường THCS Gia Thanh đã triển khai lồng ghép linh hoạt các hoạt động giáo dục STEM vào kế hoạch giảng dạy của nhà trường. Nội dung các bài học STEM bám sát nội dung chương trình môn học, gắn liền với các di sản sống ở địa phương, giúp học sinh chủ động tiếp nhận, vận dụng kiến thức vào thực tế thông qua các hoạt động. Từ đó khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu khoa học, phát huy khả năng sáng tạo của học sinh.
“Là một trong 6 trường học trên thế giới nhận được giải thưởng của UNESCO và phần thưởng 1.000 USD để tiếp tục triển khai bài học STEM nón lá là sự động viên, khích lệ rất lớn đối với giáo viên nhà trường”, thầy Ngô Ngọc Thụy chia sẻ.
Tại hội thảo, sau phần giới thiệu tổng quan về giáo dục STEM tại Việt Nam, giáo viên và học sinh Trường THCS Gia Thanh đã giới thiệu, minh họa một số hoạt động STEM nón lá Gia Thanh trong dạy học; mô phỏng hoạt động luyện tập và vận dụng bài hình nón ở môn Toán.
Theo cô Trần Thị Minh Tâm, phụ trách chuyên đề STEM nón lá Trường THCS Gia Thanh, ban đầu nhà trường áp dụng STEM nón lá Gia Thanh chủ yếu trong bộ môn thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, sau được triển khai đồng bộ ở hầu hết môn học, học sinh được áp dụng kiến thức và kỹ năng vào các bài học cụ thể. “Việc dạy học như vậy rất gần gũi, thân thuộc với cuộc sống và thiết thực trong tương lai. Bài giảng bớt khô khan, vượt qua khuôn mẫu phương pháp tiếp cận cũ, mang lại tính kết nối, khám phá trải nghiệm và sáng tạo”.
Cô Đào Thị Hồng Quyên, giáo viên đoạt giải thưởng “Tỏa sáng sức mạnh tri thức” của UNICEF, người sáng lập dự án STEM cho trẻ em yếu thế, cho rằng, việc Trường THCS Gia Thanh tổ chức dạy STEM nón lá là minh chứng sống động cho việc “đưa di sản sống vào trường học và vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong phát triển giáo dục STEM tại nông thôn”. Bởi các bác, các mẹ, các bé gái là những người tham gia vào hầu hết công đoạn và đang là lực lượng chính duy trì nghề làm nón lá ở Gia Thanh.
Tham gia hội thảo, cô Đặng Thị Thu Hà, giáo viên Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, nhận thấy nhiều điều khác biệt, thú vị. Đó là sự có mặt của lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo Phù Ninh, chính quyền xã Gia Thanh và cả nghệ nhân làng nghề, cho thấy sự quan tâm thực sự đối với chủ đề này. Bên cạnh phần trình bày của nhà trường, có bài giảng của diễn giả khách mời, sự tương tác tích cực, hào hứng của cả học sinh và giáo viên, giúp cho nội dung hội thảo sinh động hơn…
Kỹ sư Đỗ Hoàng Sơn, Liên minh STEM Việt Nam, đặc biệt ấn tượng với phần trả lời cho câu hỏi: Nếu như có phần thưởng 1 tỷ USD, em sẽ sử dụng phần thưởng đó như thế nào? Câu hỏi bất ngờ nhưng câu trả lời của nữ sinh Trường THCS Gia Thanh còn bất ngờ hơn, rằng em sẽ tặng người dân xã Gia Thanh 50%, tặng người nghèo 40%, tặng Trường THCS Gia Thanh 5% và 5% còn lại tặng gia đình. “Câu trả lời đó có tỷ lệ dành cho nhà trường và gia đình như nhau, là điều mà tôi tin chắc các thầy cô giáo Gia Thanh rất vui. Tặng lại cho xã hội 95% và không quên trách nhiệm với gia đình cũng là một điểm thú vị”.
Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Phù Ninh Bùi Tuấn Long, giáo dục STEM không còn xa lạ với giáo viên và học sinh Phù Ninh, nhất là khối THCS; phù hợp với thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chú trọng phát triển năng lực, phẩm chất người học. Với STEM nón lá của Trường THCS Gia Thanh, từ hoạt động giáo dục STEM góp phần bảo tồn, phát huy giá trị nón lá Gia Thanh. Học sinh được tiếp cận nón lá bài bản hơn và thêm hiểu, thêm yêu nghề truyền thống của quê hương.