STEM robotics: Những biểu tượng vượt khó
Việt Nam đã tiếp cận giáo dục STEM từ cách đây khoảng hơn 15 năm, nhưng khái niệm giáo dục STEM chỉ bắt đầu trở nên quen thuộc sau Ngày hội STEM quốc gia lần thứ nhất được tổ chức vào hè năm 2015 theo sáng kiến của Bộ KH&CN và Liên minh STEM.
Loạt bài viết dưới đây là một nỗ lực nhằm mang tới bức tranh toàn cảnh về giáo dục STEM trong hệ thống trường công, đặc biệt là STEM robotics, với những mảnh ghép là kinh nghiệm được đúc kết từ nhiều địa phương.
Trong chuyến thăm Việt Nam mới đây, bên cạnh các công việc ngoại giao quan trọng, Ngoại trưởng Mỹ Antony J. Blinken đã tới thăm Đại học Bách khoa Hà Nội vào ngày 15/4. Tại đây, ông đã xem trưng bày một số sản phẩm công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), robot và thiết bị đèn tảo lọc không khí của thầy trò nhà trường.
Đặc biệt, ông còn được xem hơn hai chục học sinh Hà Nội luyện tập điều khiển robot VEX IQ, chuẩn bị cho Giải vô địch thế giới VEX Robotics sẽ diễn ra vào tháng sau tại Dallas, Texas, Mỹ. Trong cuộc họp báo chiều cùng ngày, ông cho biết đã rất ấn tượng với màn trình diễn này.
VEX IQ là robot giáo dục số 1 của Mỹ với hơn 1.500 chi tiết. Nhưng việc tiếp cận con robot phức tạp, nhiều chi tiết đó thực ra không khó như nhiều người nghĩ. Bằng chứng là, ngay trong lần đầu tổ chức Giải vô địch Robotics VEX IQ toàn quốc 2023 cho lứa tuổi U12 và U15 vào cuối tháng Hai vừa qua, đã có tới 143 đội từ 33 tỉnh/thành phố đăng ký tham dự. Kết quả, có 20 đội được quyền dự VEX Robotics World Championship – con số này chỉ sau Mỹ, Trung Quốc, Úc và Anh. Đáng chú ý, gần một nửa trong số 20 vị trí xuất sắc nhất Việt Nam thuộc về các đội từ nông thôn và miền núi.
Trong bài viết này, chúng tôi muốn mời bạn đọc cùng tìm hiểu một vài ví dụ về quá trình các đội ở những huyện khó khăn nhất nước đã vượt khó như thế nào để tiếp cận robot VEX IQ.
Việt Nam có hơn 700 đơn vị cấp quận/huyện, trong đó có 74 huyện được coi là khó khăn nhất. Bởi vậy, việc học sinh các huyện Bình Gia (Lạng Sơn), Mù Cang Chải (Yên Bái), Lang Chánh (Thanh Hóa) – đều là các huyện nằm trong danh sách 74 – tự tin tham dự giải Giải vô địch Robotics VEX IQ toàn quốc 2023 gây bất ngờ lớn cho các chuyên gia STEM và phụ huynh học sinh Hà Nội, nơi đa số học sinh chưa có điều kiện tiếp cận lập trình robot.
Điểm chung giữa các huyện này là đều có quá trình bồi đắp nền tảng giáo dục STEM.
Mù Cang Chải: Một nửa sân tập đi mượn cũng làm nên thành công
Học sinh huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) trong một buổi giao lưu thi đấu VEX IQ, tháng 1/2023. Ảnh: ĐHS
Trong đó, Mù Cang Chải đã hai lần tổ chức thành công Ngày hội STEM và lập trình robot KCbot (made in Vietnam) với sự tham gia của toàn bộ 23 trường tiểu học và THCS trong huyện. Chỉ ba tháng sau khi bắt đầu được làm quen với lập trình robot, hai trường học của huyện Mù Cang Chải đã giành giải Ba tại Ngày hội STEM vùng cao và nông thôn thúc đẩy chuyển đổi số được tổ chức tại huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu vào tháng 5/2022.
Đầu tháng 1/2023 các chuyên gia của Học viện Kidscode bắt đầu khóa tập huấn một ngày về lập trình robot VEX IQ cho học sinh của trường Dân tộc nội trú huyện Mù Cang Chải. Kể từ đó, các em có thể tự rèn luyện thêm thông qua các bài giảng có sẵn trong kho học liệu online của hãng VEX.
Để tạo điều kiện cho học sinh thi đấu tốt, lãnh đạo huyện đã mượn về “một nửa sân tập” robot VEX IQ hiện đại, học sinh có thể thử robot và luyện kỹ năng thi đấu trên đó. Liên minh STEM đã có “sáng kiến” chia đôi một bộ sân tập để cho nhiều đội được mượn hơn. Sau hơn một tháng luyện tập đầy quyết tâm, với thế mạnh về quỹ thời gian của học sinh nội trú, đội tuyển của huyện Mù Cang Chải đã tự tin “tham chiến” và đứng vị trí 64/104 đội ở bảng U15 tại Giải vô địch Robotics VEX IQ toàn quốc 2023.
Lang Chánh: Chắt chiu từng cơ hội
Lang Chanh: Đội tuyển của huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) tại Giải vô địch Robotics VEX IQ toàn quốc 2023, tháng 2/2023. Ảnh: ĐHS
Nằm ở vùng biên giới Việt – Lào hẻo lánh, từng là chiến khu của nghĩa quân Lam Sơn, nơi tướng quân Lê Lai dũng cảm hy sinh để cứu vua Lê Lợi, cái tên Lang Chánh còn hết sức xa lạ với nhiều người Việt Nam. Nhưng tại Giải vô địch Robotics VEX IQ toàn quốc 2023, đội của Trường THCS Thị trấn Lang Chánh đã khiến nhiều người xem phải nhớ tên khi vượt qua vòng loại để đứng trong TOP20 đội xuất sắc nhất bảng U15, và chút xíu nữa thì đoạt vé đi Mỹ dự giải Vô địch thế giới.
Cũng vì nghèo khó, Lang Chánh đã chắt chiu từng cơ hội để tiếp cận giáo dục STEM. Tháng 6/2022, Lang Chánh tổ chức thành công cuộc thi lập trình robot KCbot đầu tiên của huyện, sau khi 5 trường THCS ở đây được các cựu học sinh tặng 10 hộp robot KCbot, mỗi hộp trị giá khoảng 2 triệu đồng. Chính vì có kinh nghiệm tổ chức thi lập trình robot, Phòng GD&ĐT huyện Lang Chánh đã tự tin nhờ Liên minh STEM tìm mượn robot VEX IQ để cho học sinh thử sức.
Chỉ sau một buổi học từ 15h30 tới 23h với huấn luyện viên do Liên minh STEM cử tới giúp, thầy trò huyện Lang Chánh bắt đầu luyện tập ngày đêm trong suốt một tháng để có được thành tích như nêu trên tại cuộc thi toàn quốc. Sự kiện đội tuyển của huyện Lang Chánh là đại diện duy nhất của tỉnh Thanh Hóa tham gia và đạt thành tích cao tại giải vô địch toàn quốc đã làm nức lòng người dân và chính quyền huyện Lang Chánh – giờ đây họ đã có cơ sở để tin rằng nếu được tạo điều kiện tiếp cận thì chuyển đổi số cũng không có gì đáng ngại.
Đội tuyển của huyện Bình Gia (Lạng Sơn) tại Giải vô địch Robotics VEX IQ toàn quốc 2023, tháng 2/2023. Ảnh: ĐHS
Với hai đội tuyển từ Trường THCS Tô Hiệu và Trường THCS Hoàng Văn Thụ tham dự Giải vô địch Robotics VEX IQ toàn quốc 2023 đạt vị trí thứ 36 và 73/104 ở bảng U15, huyện Bình Gia đang chứng tỏ mô hình “hải đăng” trong triển khai giáo dục STEM có hiệu quả.
Trong mô hình này, cảm hứng hành động được lan tỏa, truyền đi từ những nơi năng động, sôi nổi đến những nơi còn rụt rè, ngần ngại. Có thể dẫn ra trường hợp trường THPT Bình Gia huấn luyện robot VEX IQ cho hai trường THCS Tô Hiệu và THCS Hoàng Văn Thụ. Không những thế, trường THPT Bình Gia còn cho trường THCS Hoàng Văn Thụ mượn robot VEX IQ để thi đấu.
Đến nay, tất cả các trường trung học của huyện Bình Gia đều đã được tiếp cận lập trình robot, trong đó một số trường đã tiếp cận công nghệ robot ảo VEX VR. Ngoài hai bộ robot VEX IQ của Mỹ có trị giá hơn 1.000 USD, hàng chục hộp robot giáo dục KCbot đã được các nhà hảo tâm và cựu học sinh trao tặng, như để khích lệ những nỗ lực và sự ham học hỏi của các thầy cô và học sinh Bình Gia.
VEX IQ là robot giáo dục hàng đầu thế giới với độ phức tạp nhất định, bởi vậy việc học sinh của ba huyện trong danh sách khó khăn nhất nước tự tin tham dự giải vô địch toàn quốc đã cho thấy học sinh Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng tiếp cận robot này. Điều kiện là việc triển khai giáo dục STEM và xoá mù lập trình được ngành GD&ĐT ở mỗi quận huyện tổ chức một cách bài bản, dựa trên các công nghệ giáo dục hiện đại thời chuyển đổi số, như công nghệ robot ảo VEX VR. Đây là một tiếp cận mở để xóa mù lập trình (Coding Literacy) cho số đông học sinh mà không tốn kinh phí. Tính đến nay, đã có khoảng hơn một trăm trường trung học ở các huyện vùng cao và nông thôn bắt kịp xu hướng dùng công nghệ robot ảo VEX VR miễn phí, như Bảo Thắng, Si Ma Cai, Văn Bàn (Lào Cai); Văn Quan, Bắc Sơn, Bình Gia (Lạng Sơn); Thái Thụy (Thái Bình); Bảo Lâm (Cao Bằng); Than Uyên (Lai Châu). Với tiếp cận này, các trường không cần đầu tư mua nhiều robot thật mà mỗi trường chỉ cần có một robot thật để cho học sinh thêm hứng thú khi học với robot ảo.
(Còn nữa)
Đỗ Hoàng Sơn