Sau nhiều năm học tập, nghiên cứu tại nước ngoài, trở về nước TS Đặng Văn Sơn (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã cùng các đồng nghiệp của mình trong Liên minh STEM Việt Nam lăn lộn nghiên cứu, giới thiệu, phổ biến, truyền cảm hứng và huấn luyện, đào tạo mô hình giáo dục STEM tới thầy trò nhiều địa phương…và đã cùng thu được những kết quả tích cực bước đầu. TS Đặng Văn Sơn đã chia sẻ với Nhân Dân hằng tháng về nỗ lực và những thành công bước đầu ở lĩnh vực mới này.
Xuất hiện ở Việt Nam chưa lâu, nhưng khái niệm giáo dục STEM đang trở thành một xu thế được xã hội quan tâm, lựa chọn. Trong chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức đưa vào giảng dạy mô hình giáo dục STEM. Theo ông, với hạ tầng giáo dục phổ thông còn nhiều thiếu thốn, hạn chế, bất cập như ở Việt Nam, triển khai đại trà mô hình giáo dục STEM, liệu có gây thêm khó khăn cho thầy và trò?
Trước hết chúng ta cần hiểu rõ bản chất và khái niệm của giáo dục STEM để tránh nhầm lẫn nó là cái gì đó rất mới mẻ, rất khó làm, rất tốn kém… Thí dụ ở Mỹ trước đây, giáo dục STEM là chính sách phát triển giáo dục trong các môn học STEM (khoa học, công nghệ, kĩ thuật và toán) để thu hút nguồn lực chất lượng cao theo học các ngành học STEM, vốn vẫn được cho là khó ở Mỹ và cả Việt Nam. Để thu hút người học thì cần thay đổi tư duy, cách thức, phương pháp và chương trình dạy học. Vì thế giáo dục STEM ra đời với mục đích giúp học sinh hứng thú hơn với các môn học STEM.
Có rất nhiều hình thức để các môn học STEM thú vị hơn, có tính ứng dụng cao hơn, kết nối với cuộc sống nhiều hơn như dạy học tích hợp STEM, dạy học dự án STEM, các trải nghiệm STEM…Tại Việt Nam, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể 2018 về cơ bản vẫn xây dựng theo cách truyền thống thông qua các môn học, tuy nhiên, trong các môn học như khoa học (lớp 4, 5, 6, 7, 8 và 9), môn công nghệ, môn toán, môn tin học Ban soạn thảo có nhấn mạnh về việc tổ chức mô hình giáo dục STEM cho các môn học này với mong muốn có thể tích hợp một số chủ đề của các môn hay gắn kết cuộc sống với các môn học STEM. Đây là định hướng đúng, giao quyền thực hiện cho giáo viên và nhà trường trong việc tìm ra các chủ đề có thể tích hợp hay tổ chức hoạt động STEM cho các phần kiến thức của các môn học thành phần hoặc liên môn, tích hợp. Cũng trong năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Công văn 3089 hướng dẫn các trường tổ chức hoạt động giáo dục STEM trong nhà trường thông qua ba hình thức như: trong môn học, trong hoạt động câu lạc bộ và trong hoạt động trải nghiệm. Việc tổ chức thực hiện còn nhiều khó khăn nên kết quả đạt được cũng chưa nhiều. Nói dài như vậy để thấy, giáo dục STEM không phải là đưa thêm một môn học hay đưa thêm máy móc vào nhà trường mà là thay đổi cách thức dạy và học các môn STEM.
Giáo dục STEM không thể gây quá tải cho người học và người dạy vì nó vẫn chỉ có từng đó nội dung kiến thức. Cái khó chính là cách thể hiện, giáo viên muốn tổ chức hoạt động giáo dục STEM phải làm việc nhiều hơn, chuẩn bị nguyên vật liệu nhiều hơn, tư duy nhiều hơn… gây ra tình trạng không muốn làm từ người dạy. Vì việc tổ chức tốn kém về công sức thậm chí cả kinh phí, nếu người dạy muốn tổ chức các hoạt động cần nhiều vật liệu tiêu hao nên nhiều địa phương, trường học còn không muốn làm hoặc chưa biết cách làm. Điều đó không có nghĩa cứ tổ chức hoạt động giáo dục STEM là tốn kém. Các chủ đề, hoạt động giáo dục STEM được xây dựng từ bối cảnh thực tế địa phương nên các nguyên vật liệu, nhân lực đều có thể tìm kiếm từ địa phương. Tốn kém hay không là do cách làm, cách tổ chức của giáo viên và nhà trường.
Vậy đâu là lợi ích của mô hình giáo dục STEM thưa ông?
Đối tượng của giáo dục là học sinh, vì thế lợi ích của giáo dục STEM chính là việc trang bị cho học sinh những năng lực cần thiết cho thế kỷ 21 với rất nhiều sự thay đổi về tư duy làm việc, phương tiện làm việc và nhiều thứ mà chúng ta chưa biết trước được. Ưu điểm của giáo dục STEM đối với giáo dục Việt Nam nói riêng chính là góp phần làm thay đổi tư duy dạy và học của giáo viên, nhà trường, cấp quản lý bởi một trong những điểm căn bản của giáo dục STEM là kết nối cuộc sống với nhà trường, môn học, từ đó giúp học sinh hình thành tư duy và kiến thức, kỹ năng cần thiết trong các lĩnh vực STEM.
Học sinh và giáo viên CLB robot THPT Chuyên Chu Văn An, Lạng Sơn chuẩn bị học ngôn ngữ lập trình Python bằng robot VEX IQ do STEAM FOR VIETNAM và Đại học VinUni tặng.
Giáo dục STEM trong hình dung của nhiều người, chỉ là lập trình và robot? Theo ông, nhận thức như thế này liệu đã chính xác?
Gần đây, tại Việt Nam cũng như trên thế giới, chúng ta nhìn thấy sự thay đổi rất nhanh và mạnh của các thành tựu khoa học công nghệ. Vì thế, giáo dục công nghệ được chú trọng nhiều và đặc biệt liên quan đến robot, lập trình, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, đây là cơ hội cho các môn học mà trước giờ chưa được chú trọng như môn tin học trong nhà trường. Các hoạt động robot và lập trình cũng dễ để nhìn thấy kết quả, dễ để truyền thông nhắc tới. Nhưng giáo dục STEM mảng robot, lập trình cũng khiến nhiều người e ngại, đặc biệt là giáo viên thuộc thế hệ trước. Nhắc đến STEM nhiều người còn ngại ngùng hay lo lắng vì cảm thấy nó quá mới và có thể khó. Nhưng các chương trình phổ cập STEM robot mà chúng tôi triển khai đã khiến giáo viên ngay cả ở vùng núi cao của Lào Cai hay Hà Giang cũng có thể dạy được robot hay lập trình. Vì sự thể hiện của robot hay lập trình quá mạnh mẽ nên người ta quên đi phần còn lại của giáo dục STEM chính là các môn học thành phần khác như khoa học, toán. Đây là các môn nền tảng cho các hoạt động STEM liên quan đến lập trình hay robot. Thông qua các hoạt động robot học sinh cũng có thể học được các nội dung môn toán hay khoa học, đấy chính là ưu điểm của sự tích hợp trong giáo dục STEM. Các hoạt động giáo dục STEM liên quan đến khoa học và toán vẫn tồn tại mạnh mẽ song song với các hoạt động học tập về robot nên có thể nói giáo dục STEM có nhiều môn học, nhiều cách học, nhiều hình thức thể hiện chứ không phải chỉ là robot. Nhưng robot là phương tiện truyền cảm hứng, là ước mơ được chinh phục của học sinh và giáo viên nên nó là phần nổi nhất của giáo dục STEM. Trong thời kỳ hiện nay ta nói nhiều về chuyển đổi số, về cách mạng công nghiệp nên robot và lập trình vừa là phần quan trọng vừa là yếu tố có tính thời sự.
Để lan tỏa và truyền cảm hứng về giáo dục STEM tới cộng đồng, ông và những người cùng chí hướng của mình trong Liên minh STEM đã tới các địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn, miền núi để phối hợp triển khai các hoạt động STEM và thu về nhiều kết quả đáng mừng. Từ ghi nhận thực tế của ông, có phải ở các địa bàn còn khó khăn, ngành giáo dục đã quan tâm cổ vũ và tạo điều kiện cho giáo dục STEM hơn ở các đô thị lớn?
Đối với khu vực thành phố, học sinh có rất nhiều hoạt động trong một ngày đặc biệt là áp lực thi cử và thành tích khá nặng. Còn nông thôn miền núi, áp lực thi cử cũng vẫn nhiều, dù vậy các hoạt động ngoại khóa còn khá ít. Cũng tương tự như các bữa ăn, nếu cho thêm thịt trong bữa ăn học sinh thành phố có thể không quan tâm, nhưng học sinh các khu vực khác sẽ thấy mừng. Vì thế, các hoạt động giáo dục STEM sẽ thường được đón nhận nhiều hơn tại khu vực miền núi và nông thôn. Giáo viên hay nhà quản lý giáo dục tại các địa phương này cũng đón nhận nhiệt tình hơn tại khu vực thành phố. Một điểm quan trọng nữa ở khu vực nông thôn miền núi là học sinh tại đó có không gian, môi trường trải nghiệm rất tốt mà học sinh thành phố không thể có được. Điều này cũng là một lợi thế của khu vực nông thôn miền núi trong hoạt động giáo dục STEM. Các địa phương mà chúng tôi đã từng triển khai tập huấn, hỗ trợ như tại Lào Cai, Lạng Sơn, Hà Giang… đều đã có những chuyển biến tích cực trong việc thúc đẩy giáo dục STEM tại địa phương. Trong đó phải kể đến Lào Cai nơi mà giáo dục STEM đã đi vào chính sách giáo dục tại địa phương thông qua nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh năm 2021.
Nhưng sẽ thế nào nếu chúng ta có một thế hệ học sinh chỉ thích lập trình, robot, chơi cờ vua và làm toán…?
Như đã trao đổi ở trên, giáo dục STEM chỉ là một phần trong chương trình giáo dục phổ thông tại Việt Nam và các nước. Mục đích của giáo dục STEM là phát triển nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật do lực lượng này trong thời gian qua bị thiếu hụt nghiêm trọng. Nhìn lại các kỳ thi tốt nghiệp THPT tại Việt Nam mấy năm qua thấy, tỷ lệ học sinh chọn các tổ hợp môn khoa học tự nhiên để thi cũng giảm đáng kể, chỉ còn khoảng 35% trong năm học vừa rồi so với học sinh chọn tổ hợp môn khoa học xã hội để tốt nghiệp. Giáo dục STEM không nhằm thay thế tất cả các hoạt động giáo dục phổ thông mà chỉ tập trung vào các môn học STEM. Bởi vậy, nhu cầu về tích hợp thêm các yếu tố xã hội vào các hoạt động STEM đã được đặt ra, nên đã có thêm các khái niệm về giáo dục STEAM trong đó chữ A là Art (nghệ thuật) như là cách tích hợp các yếu tố nghệ thuật, nhân văn và xã hội vào các hoạt động STEM, tạo ra sự cân bằng giữa yếu tố con người, xã hội với yếu tố tự nhiên, kỹ thuật.
Trân trọng cảm ơn TS Đặng Văn Sơn.