Sinh năm 1981 tại TP Hà Nội, từ thuở còn ngồi trên ghế nhà trường bậc phổ thông, Đặng Văn Sơn đã có niềm yêu thích đặc biệt đối với môn vật lý. Sau đó anh thi đỗ trường chuyên môn vật lý ở Hà Nội rồi tiếp tục học ngành này tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên.
Hành trình nghiên cứu và phát triển chuyên môn
Tốt nghiệp đại học, TS. Sơn giành được học bổng thạc sĩ khoa vật lý Trường ĐH Quốc gia Chungbuk (Hàn Quốc). Không lâu sau, chàng trai mê vật lý ứng tuyển và được nhận vào vị trí nghiên cứu viên của một dự án tại Vương quốc Anh, được tài trợ bởi Quỹ Marie Curie nổi tiếng ở châu Âu với số tiền khoảng 6 triệu euro cho 4 năm nghiên cứu của nhóm 5 người. Cùng với đó, Sơn được Trường ĐH Birmingham tiếp nhận làm nghiên cứu sinh. Kết thúc đề tài, Sơn hoàn thành luận án tiến sĩ. Chàng tiến sĩ trẻ khi đó ở lại làm việc tại Anh trong 1 năm rồi sang Đức nghiên cứu sinh sau tiến sĩ. Năm 2014, khi kết thúc đề tài tại Đức, Sơn nộp hồ sơ vào các trường đại học ở châu Âu.
Trở về quê hương với nhiều dự định
Thế nhưng, sau nhiều đêm trăn trở, tiến sĩ Đặng Văn Sơn đưa ra quyết định “phải trở về Việt Nam!”. “Tôi có nhiều lựa chọn cho công việc nghiên cứu ở châu Âu hay các nước có nền khoa học phát triển nhưng tôi quyết định trở về, đó là một lựa chọn và tôi tin tôi có thể làm nhiều thứ hơn ngoài việc nghiên cứu khi trở về Việt Nam” – vị tiến sĩ trẻ quả quyết.
Trở về Việt Nam, tiến sĩ Sơn xin vào Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐHQG Hà Nội và được nhận vào vị trí nghiên cứu viên tại Trung tâm Nano và Năng lượng. “Đây là một trung tâm mới, có nhiều người trẻ từ nước ngoài về. Ấn tượng ban đầu cho đến bây giờ đối với tôi là môi trường nghiên cứu và phong cách làm việc của các đồng nghiệp ở đây giống như cách vận hành phòng thí nghiệm tại nước ngoài” – tiến sĩ Sơn nhận xét.
Nỗi băn khoăn về việc dạy Khoa học cho trẻ em
Trở về làm việc tại quê hương, Đặng Văn Sơn bất ngờ nhận thấy việc dạy khoa học cho trẻ em ở Việt Nam vẫn y như thời anh còn học phổ thông. “Sự tham gia của các trường đại học, viện nghiên cứu… vào giáo dục khoa học gần như không có. Trong khi đó, khi ở nước ngoài, với vai trò là nhà nghiên cứu, tôi đã thực hiện rất nhiều hoạt động phổ biến khoa học hay ngày hội khoa học cho trẻ em tại phòng thí nghiệm của mình” – tiến sĩ Sơn kể lại.
Đầu tháng 8-2014, tiến sĩ Sơn đưa ra quyết định táo bạo: cùng 2 đồng nghiệp là tiến sĩ Bùi Văn Điệp và thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương thành lập Công ty CP Học viện Sáng tạo (Học viện Sáng tạo S3), đặt trụ sở tại Trường Tiểu học Jean Piaget (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội). Mục tiêu ban đầu của học viện là kết hợp với các trường tiểu học, THCS, THPT tổ chức những khóa học STEM cho học sinh. “Ước muốn của tôi là học viện sẽ là nơi mang khoa học đến với các em. Khoa học ở đây có hàm ý là vui vẻ, dễ hấp thụ, dễ học và truyền cảm hứng khoa học cho học sinh” – tiến sĩ Sơn lý giải.
Ngay từ những ngày đầu Học viện Sáng tạo S3 ra đời, “ông chủ” Sơn cùng những người tâm huyết lặn lội về tận tỉnh Thái Bình. “Nhìn những gương mặt thích thú, ánh mắt tò mò của các em vùng nông thôn với những thứ xung quanh khi được diễn giải dưới góc độ STEM, tôi thấy mình đã chọn đúng con đường đi. Tiềm năng sáng tạo của các em là rất lớn, vấn đề cần làm là biến tiềm năng thành tài năng thông qua các bài học hữu ích phát huy tính sáng tạo” – vị tiến sĩ trẻ tâm đắc.
Kiến tạo cộng đồng giáo dục
Từ đó đến nay, Học viện Sáng tạo S3 đã mở nhiều khóa học, nhiều chương trình, ngày hội STEM đến với hàng ngàn học sinh ở TP Hà Nội và các tỉnh lân cận. Trong đó, 2 chương trình thường xuyên được tổ chức là ngày hội STEM dưới sự bảo trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với khóa học “STEM, Toán và Khoa học” đã thu hút hơn 5.000 học sinh tham gia. Đặc biệt, thông qua hỗ trợ của Học viện Sáng tạo S3, đã có 30 câu lạc bộ STEM của các trường THCS tại Việt Nam kết nối với các trường THCS tại Mỹ để trao đổi kinh nghiệm.
Học viện Sáng tạo S3 cũng đã tập huấn tiếp cận giáo dục STEM cho khoảng 5.000 lượt giáo viên khối tiểu học và THCS tại Hà Nội và các vùng lân cận. Không chỉ ở thành phố, vị tiến sĩ trẻ này còn về tận huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An để tập huấn về STEM và đã có 88 giáo viên ở huyện này đạt trình độ cơ bản, có thể dạy lập trình robot và 200 giáo viên đủ khả năng triển khai các bài học, dạy theo các chủ đề về STEM và tự triển khai phổ cập giáo dục STEM cho nhiều trường học. Theo tiến sĩ Sơn, sở dĩ khu vực nông thôn được đặc biệt chú ý bởi hiện 70% học sinh Việt Nam tập trung ở vùng nông thôn và cũng chính khu vực nông thôn đã tạo ra một phần tri thức, tinh hoa cho khu vực thành phố.
Tiến sĩ Đặng Văn Sơn luôn đặt mình vào vai trò thúc đẩy giáo dục STEM tại các địa phương và mong muốn những ai liên quan từ doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức nghề nghiệp… cùng chung tay để sớm hình thành hệ sinh thái giáo dục STEM. Hiện một số trường đại học đã chấp nhận mở cửa đón học sinh đến trải nghiệm như Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Trường ĐH Bách khoa … “Tôi hy vọng mạng lưới đại sứ STEM với sự tình nguyện của các nhà khoa học, các kỹ sư, doanh nghiệp sẽ chung tay để tạo ra các giá trị về niềm tin cho người dân đối với giáo dục” – người thắp lửa kỳ vọng.
STEM là viết tắt của các từ Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật) và Math (Toán học).
Đây là chương trình giảng dạy dựa trên ý tưởng trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học theo cách tiếp cận liên môn và người học có thể áp dụng để giải quyết vấn đề trong cuộc sống hằng ngày. Thay vì dạy các môn học như các đối tượng tách biệt và rời rạc, STEM kết hợp chúng thành một mô hình học tập gắn kết dựa trên các ứng dụng thực tế.
BÍCH VÂN
Link bài viết gốc: https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/nguoi-thap-lua-giao-duc-stem-20190123142222413.htm