Ngày hội STEM Quốc gia: Hành trình truyền cảm hứng và thay đổi nhận thức
Trong 8 năm qua, các Ngày hội STEM Quốc gia đã góp phần thay đổi nhận thức của nhiều giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, đồng thời giúp họ khai thông những bế tắc về chuyên môn. Đó cũng là điều quan trọng nhất để họ có cảm hứng và năng lực thúc đẩy giáo dục STEM trong những điều kiện khó khăn khác nhau, đặc biệt là ở nông thôn và vùng cao.
Tháng 5/2015, để chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ khi đó là TS Nguyễn Quân đã giao cho tạp chí Tia Sáng nhiệm vụ tổ chức Ngày hội STEM Quốc gia lần đầu ở Đại học Bách khoa Hà Nội theo hình thức xã hội hóa, kêu gọi tinh thần tự nguyện cống hiến của các tổ chức và cá nhân chung tay tạo sân chơi mới cho học sinh và giáo viên. Kể từ đó, hàng trăm Ngày hội STEM với các quy mô khác nhau đã diễn ra trên khắp cả nước với mấy nhiệm vụ chính sau đây:
1- Truyền thông để tạo nhận thức cộng đồng về giáo dục STEM;
2- Kết nối cộng đồng trong hệ sinh thái giáo dục STEM;
3- Trao đổi, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm.
Riêng Ngày hội STEM Quốc gia có thêm vai trò làm mẫu cho các ngày hội ở địa phương.
Ngày hội STEM Quốc gia đầu tiên được tổ chức khá đơn giản, không đặt ra yêu cầu quá cao đối với các nội dung trưng bày, trải nghiệm, biểu diễn, hội thảo, cuộc thi để sao cho ai cũng có thể tham gia, càng đông càng vui.
Ngày hội STEM Quốc gia 2015 thu hút hàng nghìn trẻ em trực tiếp tham gia vào các lớp học hoặc trò chơi. Nguồn: KH&PT
Khoảng hơn 20 gian trưng bày và lớp học trải nghiệm STEM dành cho 2.400 học sinh đã được tổ chức trong 2 ngày với 8 ca học, mỗi ca khoảng 2 tiết. Gần như toàn bộ các trưng bày và lớp học đều do các tổ chức khuyến học hoặc các công ty chuyên về giáo dục STEM đóng góp trên cơ sở học hỏi, đúc kết kinh nghiệm chủ yếu từ Mỹ và Anh. Trường THCS & THPT Tạ Quang Bửu (Hà Nội) là đại diện duy nhất cho các trường tham gia trưng bày các sản phẩm của giáo dục STEM sử dụng vật liệu tái chế.
Đến học trải nghiệm trong Ngày hội STEM 2015 cấp quốc gia chỉ có gần 60 thầy cô và học sinh hai huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình và Nam Trực, tỉnh Nam Định là những đại diện đầu tiên đến từ khu vực nông thôn. Nhưng ngay sau sự kiện này, một số địa phương đã mời Liên minh STEM tập huấn giáo viên quy mô toàn huyện, trong nhiều đợt khác nhau.
Kết quả của những đợt tập huấn đã được phản ánh rõ ràng trong Ngày hội STEM ở Hà Giang vào tháng 11/2017. Khi đó khoảng gần 100 giáo viên và cán bộ quản lý ở nhiều địa phương khác nhau từ Thanh Chương (Nghệ An), Nam Trực (Nam Định), TP Hạ Long (Quảng Ninh) và một số quận của Hà Nội đã tình nguyện lên giúp Hà Giang tổ chức hai Ngày hội STEM ở huyện Bắc Quang và TP Hà Giang. Đa số các gian trưng bày và lớp học trải nghiệm của hai ngày hội này là do các thầy cô giáo đã được tập huấn STEM trong các năm 2016 và 2017 thực hiện.
Sang đến năm 2018, đã có một thay đổi mang tính bước ngoặt là các huyện Nam Trực và Thanh Chương đã tích cực đóng góp cho Ngày hội STEM Quốc gia với nhiều nội dung phong phú như khu trưng bày, khu dạy học lập trình robot, sa bàn trải nghiệm lập trình robot và tham luận hội thảo.
Cũng trong năm 2018, hai huyện trên đều tự tin tổ chức ngay tại địa phương các Ngày hội STEM và thi đấu lập trình robot với số học sinh và giáo viên trực tiếp trải nghiệm lên tới hàng ngàn người, tức là không thua kém gì Ngày hội STEM Quốc gia ở Hà Nội.
Mô hình tái hiện trận Điện Biên Phủ với các xe robot điều khiển từ xa của Trường Tiểu học Bế Văn Đàn, TP Điện Biên, tại Ngày hội STEM Quốc gia 2019. Đây là kết quả mà các thầy cô ở trường tạo ra sau 2 ngày được Liên minh STEM tập huấn. Ảnh: Ngô Hà/KH&PT
Ngày hội STEM Quốc gia 2019 ngoài việc có thêm những đại diện đến từ Lào Cai và Điện Biên với các lớp học trải nghiệm dạy lập trình cho học sinh Hà Nội thì còn có rất nhiều báo cáo tham luận về các cách thúc đẩy giáo dục STEM ở nhiều địa phương khác nhau, trong đó có không ít các bài học từ nông thôn và vùng cao.