29 đội robot VEX IQ trong và ngoài tỉnh; 11/11 thành phố, huyện trên địa bàn Lạng Sơn có đại diện tham gia; 23 đội robot KCbot của học sinh tiểu học; 22 gian hàng trưng bày các sản phẩm STEM của khối THCS... Ngày hội STEM huyện Văn Quan năm học 2023 - 2024 khiến giới chuyên môn đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, cho niềm tin sâu sắc vào việc phát triển và đổi mới giáo dục STEM ở vùng cao, vùng khó khăn.
"Chỉ ở Văn Quan mới đặc biệt như thế!"
Sân vận động huyện Văn Quan đã có một ngày sôi động và đông vui khác thường. Ở trung tâm là sân chơi ném còn, có phần giới thiệu và cách thức chơi trò chơi dân gian đặc trưng của vùng cao này. Xung quanh đó là gian trưng bày sản phẩm STEM của các trường THCS. Mỗi trường một gian hàng, trưng bày ít nhất 10 sản phẩm STEM thuộc các lĩnh vực, trong đó 5 môn chủ đạo STEM mỗi môn phải có 2 sản phẩm. Sản phẩm trưng bày có thể là những sản phẩm sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng, khoa học kỹ thuật đã tham gia dự thi cấp huyện, cấp tỉnh trong các năm học. Điểm đáng chú ý, các sản phẩm trưng bày đều kèm bản vẽ thiết kế; các món ăn được giới thiệu kèm quy trình chế biến… Ngoài ra còn có các khu vực thi đấu của robot KCbot cũng như thực hành làm sản phẩm STEM theo đề thi của Ban Tổ chức.
Bên trong nhà thi đấu dành riêng cho phần tranh tài sôi nổi của 29 đội robot VEX IQ đến từ Lạng Sơn cùng 8 tỉnh, thành phố khác trên cả nước, trong đó có 3 đội robot sẽ tham dự Giải vô địch thế giới robot VEX 2024 ở Mỹ. Khán giả đứng vòng trong vòng ngoài. Kết quả các trận đấu được cập nhật bằng phần mềm máy tính và màn hình theo tiêu chuẩn kỹ thuật như giải Vô địch quốc gia robot VEX 2024 và các giải quốc tế…
“Một Ngày hội STEM có nhiều điểm mới và hơn hẳn ở thành phố lớn”. Đó là nhận xét của cô Đặng Thị Thu Hà, giáo viên môn Công nghệ, Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, sau khi tham dự Ngày hội STEM huyện Văn Quan năm học 2023 – 2024 diễn ra ngày 6 – 7.4 vừa qua; cô Hà đưa ra một loạt dẫn chứng cho nhận xét của mình: không chỉ liên môn mà còn liên tỉnh; đủ đầy các hoạt động STEM+, vừa hiện đại vừa đậm đà bản sắc văn hóa địa phương; có sự góp mặt của nhiều “ngôi sao” về giáo dục STEM của Việt Nam; công nghệ tiêu chuẩn quốc tế được áp dụng để điều khiển và tính điểm cho cuộc thi robotics nhiều cấp.
Cô Hà cũng nhìn thấy sự đoàn kết chung lòng, mến khách của mọi lực lượng, từ nhà trường, gia đình, các phòng Giáo dục và Đào tạo, lực lượng chức năng, nhân dân, giúp tạo ra một lớp học mở đầy hào hứng, một không khí học hỏi và học hành đầy sáng tạo, nhiệt thành, mát mẻ. Và đặc biệt là “được chứng kiến dấu ấn trưởng thành và đổi mới của một hệ sinh thái giáo dục STEM vùng cao (cũng là của Việt Nam)”.
“Cách đây đúng 70 năm, ba tôi đã viết thư cho mẹ tôi nói rằng thắng trận Điện Biên anh sẽ về cưới vợ. Và cách đây đúng 70 năm, ngày 6.8.1954, ba mẹ tôi đã tổ chức cưới tại thị xã Lạng Sơn, ngay cạnh con sông Kỳ Cùng… Tết năm 1980, cả gia đình tôi ăn Tết tại Lạng Sơn”. “Khoe” về sự gắn bó đặc biệt và dài lâu với Lạng Sơn như thế, song Phó Chủ tịch Hội đồng trường – Trường Đại học FPT Hoàng Nam Tiến cũng chia sẻ, ông đã đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi tham dự Ngày hội STEM huyện Văn Quan 2024. “Tôi xin khẳng định, kể cả cuộc thi robot của thành phố Hà Nội cũng không được tổ chức tốt và hoành tráng như ở đây. Ngay cả Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh khi tổ chức giải thi đấu robot thì cũng không có sự tham gia của tất cả quận/huyện. Chỉ có ở Văn Quan, ở Lạng Sơn mới đặc biệt thế này!”
Thay đổi nhận thức về giáo dục STEM
Là một huyện nghèo, điều kiện kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn, song Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Quan Ngô Văn Hiền cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn huyện đã có đủ 18 tầng robot, từ bậc mầm non đến THPT, cả máy in 3D. Văn Quan cũng từng giành giải Nhì và giải Ba về robot ảo ở Ngày hội STEM Quốc gia năm 2023; 2 đội robot VEX IQ của huyện được vào bán kết giải Vô địch quốc gia VEX Robotics 2024. Ngoài ra Văn Quan là huyện duy nhất trong danh sách 74 huyện nghèo của cả nước tham dự cả hai giải Vô địch quốc gia robot VRC và FTC. Đây là những giải robot tự chế được coi là khó nhất Việt Nam theo hệ thống FGC và FTC nổi tiếng thế giới dành riêng cho khối THPT.
Theo dõi Ngày hội, lắng nghe trao đổi của các chuyên gia về STEM, robot và trí tuệ nhân tạo (AI), Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân huyện Văn Quan Hoàng Văn Quân cho biết, Hội đồng Nhân dân huyện sẽ nghiên cứu xây dựng nghị quyết chuyên đề để tiếp tục thúc đẩy hoạt động giáo dục STEM trên địa bàn, đưa hoạt động này đi vào chiều sâu, tạo ra thay đổi về nhận thức không chỉ trong ngành giáo dục mà còn cả hệ thống chính trị, các bậc phụ huynh và toàn xã hội.
Theo dõi và đồng hành với quá trình thúc đẩy giáo dục STEM ở Văn Quan, kỹ sư Đỗ Hoàng Sơn, thành viên Liên minh STEM Việt Nam, đánh giá, Văn Quan đang làm được những thành tựu tuyệt vời trong việc thay đổi nhận thức về giáo dục STEM. “Ngày hội STEM huyện Văn Quan 2024 đánh dấu một tầm cao mới về việc đưa quy trình thiết kế kỹ thuật vào giảng dạy với các trò chơi giáo dục STEM và trò chơi dân gian nhưng đậm chất STEM. Những nội dung giáo dục STEM đơn giản, dễ dàng thực hiện, chi phí thấp nhưng chứng tỏ những nỗ lực tập huấn STEM cho giáo viên của huyện Văn Quan và tỉnh Lạng Sơn đã bước đầu tạo ra sự khác biệt”.
Là giám khảo phần thực hành làm sản phẩm STEM tại Ngày hội, Lê Ngọc Tuấn, người sáng lập tổ chức giáo dục Maker Việt, Giám đốc Trải nghiệm công nghệ, Ban công tác học đường, Tổ chức giáo dục FPT, huấn luyện viên trưởng đội tuyển Việt Nam vô địch Cuộc thi Robot thế giới FGC 2023, thấy “cực kỳ thú vị”. Ở phần thi này, học sinh thiết kế bản vẽ và làm sản phẩm ngay tại chỗ theo đề thi bốc thăm được. Cụ thể, bằng lực đàn hồi từ dây chun chế tạo con chim bay được, thuyền, ô tô chạy được.
“Các đội đều đã có khả năng sử dụng nguyên vật liệu bình thường để tạo ra các sản phẩm STEM, thiết kế bản vẽ rất tốt. Đặc biệt, có đội chọn giải pháp đủ đơn giản và hiệu quả để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh. Trong khi phần lớn các đội xem Youtube để làm ra các sản phẩm giống bình thường, như mô hình chim có thể đập cánh, thì đội này lại dùng dây chun bắn con chim lên, tạo ra con chim có thể bay được trong thời gian lâu nhất. Khi tôi hỏi tại sao dùng giải pháp này, các em giải thích rằng, trong chừng ấy thời gian (60 phút), chỉ giải pháp này mới đủ làm cho con chim bay được. Đấy là yếu tố luôn cần để ý trong đổi mới sáng tạo, không bao giờ làm theo người khác mà phải đạt được mục tiêu trong khoảng thời gian hoặc hoàn cảnh cụ thể. Chúng tôi đánh giá rất cao điều này, các em đã dám làm sự khác biệt, chứ không chỉ sao chép theo khuôn mẫu”, Lê Ngọc Tuấn chia sẻ.
Link bài viết gốc: https://daibieunhandan.vn/giao-duc–y-te1/mot-bieu-tuong-cua-giao-duc-stem-vung-cao-i365709/