Không đắt, không khó, không khô
Ngày 29/07/2023

Không đắt, không khó, không khô

Hình đại diện của người dùng
Tác giả
bang ng

Cụm từ STEM giờ đã trở nên quen thuộc ngay cả với thầy và trò ở những địa phương có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn nhất cả nước; thậm chí, có đội robotics ở miền núi đã tự tin sang Mỹ thi đấu. Điều này cho thấy không gì là không thể, chỉ cần thầy cô tâm huyết, lãnh đạo địa phương quan tâm…

Bài 1: Không đắt, không khó, không khô -0

Theo kỹ sư Đỗ Hoàng Sơn – thành viên Liên minh STEM, người theo sát hoạt động giáo dục STEM tại Việt Nam, những gì ngành giáo dục các địa phương khu vực miền núi phía Bắc đang triển khai đã chứng minh giáo dục STEM rất đơn giản, không đòi hỏi cao, cũng không đắt đỏ.

Thực hành, thử nghiệm, đánh giá

“Cây cầu của chúng em được làm từ que kem và ống hút. Chúng em đo kích thước của cây cầu và tính toán khối lượng đồ vật đặt lên cầu. Chúng em đặt tên là Cây cầu hy vọng với mong muốn bà con và các bạn vùng sông nước có thể đi lại dễ dàng hơn”. “Vùng cao như Si Ma Cai không cần cầu hay sao?” “Có chứ ạ. Cầu bắc qua sông, suối”. “Nếu cô đặt chai nước lên, cầu có bị đổ không?” “Không ạ!” “Thế nếu đặt xô nước lên thì sao?” “Không được ạ!” “Tại sao?” “Nó vượt quá sức (trọng tải) của cây cầu”… Đó là phần thuyết trình và trả lời đầy tự tin của một học sinh lớp 5 trước những câu hỏi của giám khảo trong Ngày hội STEM huyện Si Ma Cai (Lào Cai) năm học 2022 – 2023.

STEM là viết tắt của các từ Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật) và Mathematics (Toán học). Giáo dục STEM là trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng liên quan đến các lĩnh vực này theo cách tiếp cận liên môn và người học có thể áp dụng để giải quyết vấn đề trong cuộc sống hằng ngày. Điều này phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018: dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học.

Từ năm học 2019 – 2020, Phòng Giáo dục và Đào tạo Si Ma Cai bắt đầu triển khai giáo dục STEM. Năm 2021, Ngày hội STEM huyện Si Ma Cai lần đầu tiên được tổ chức và duy trì, nâng cấp hàng năm. Ngày hội STEM huyện Si Ma Cai lần thứ 3 năm học 2022 – 2023 quy mô lớn nhất với 4 nội dung: trưng bày gian hàng sản phẩm STEM/STEAM, trải nghiệm STEM, thi lập trình robot ảo VEX VR, và thi robot ném còn.

Ở nội dung trải nghiệm STEM, học sinh lớp 5 vận dụng kiến thức môn Khoa học đã được học ở bậc tiểu học thiết kế mô hình cây cầu; học sinh lớp 8 – 9 vận dụng kiến thức các môn Vật lý, Toán, Mỹ thuật, Công nghệ… được học ở bậc THCS thiết kế mô hình cột cờ. Các đội tham gia phải thuyết trình thể hiện được những kiến thức mà mình đã vận dụng để chế tạo sản phẩm, quy trình tạo ra sản phẩm (bản thiết kế), hướng dẫn sử dụng sản phẩm…

Kỹ sư Đỗ Hoàng Sơn – thành viên Liên minh STEM, chỉ ra khác biệt đáng chú ý tại Ngày hội STEM huyện Si Ma Cai lần thứ 3: hoạt động trải nghiệm được thiết kế với các bước rõ ràng, gồm thực hành, thử nghiệm, thuyết trình, và kiểm tra – đánh giá. Riêng học sinh THCS có thêm bước thực hiện bản vẽ trên giấy khổ lớn, trong bản vẽ, ngoài hình vẽ kỹ thuật, còn có số đo. “Chưa huyện nào ở Lào Cai làm được việc này. Trên phạm vi cả nước cũng rất ít, đa số chỉ làm ra sản phẩm mà bỏ qua bản vẽ thiết kế”.

Ngày hội STEM và thi đấu robot Yên Bái mở rộng năm 2023 của Trường THCS Quang Trung, TP. Yên Bái (tỉnh Yên Bái) cũng bước đầu triển khai theo cách làm đó. Tại các gian hàng, trang phục truyền thống của các dân tộc được trưng bày kèm bản vẽ và số đo; các món ăn truyền thống đặc trưng của đồng bào được giới thiệu kèm bản chú thích thành phần và quy trình chế biến…

“Điều này đặc biệt có ý nghĩa bởi tư duy thiết kế rất quan trọng trong giảng dạy engineering (kỹ thuật), cũng là nền tảng cho việc phát triển, thiết kế hàng hóa, sản phẩm” – kỹ sư Đỗ Hoàng Sơn nhấn mạnh.

Cả thầy và trò đều thích thú

Chia sẻ với chúng tôi, hầu hết học sinh, nam cũng như nữ, đều tỏ ra vui thích với việc học STEM bởi các em được thỏa sức trải nghiệm và sáng tạo. Trần Âu Minh Phú, học sinh lớp 8, Trường THCS thị trấn Si Ma Cai, tự học lập trình từ năm lớp 6 và đặt mục tiêu sẽ giật giải trong các cuộc thi robot tại Ngày hội STEM. Ngay khi Trường THCS Thị trấn Si Ma Cai được tặng robot năm 2020, Lê Phương Diễm, học sinh lớp 8A1, đã đăng ký học và tự tin điều khiển robot ném còn tại Ngày hội STEM lần thứ 3. Diễm mong muốn có thể tạo ra những con robot có thể dẫn đường cho người già, người khuyết tật.

Với học sinh tiểu học, STEM gần gũi hơn thông qua các sản phẩm được làm từ vật liệu tái chế hoặc những vật dụng mà các em bắt gặp hàng ngày như sỏi đá, hoa lá cành… Dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, hầu hết các trường học trên địa bàn huyện Si Ma Cai đều tổ chức chương trình Tết sum vầy cho học sinh, tại đó kết hợp trưng bày các sản phẩm STEM mà thầy và trò đã làm. Cô Hoàng Thị Hồng Hạnh, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học xã Bản Mế, huyện Si Ma Cai, hào hứng khoe ảnh chụp những bức tranh rực rỡ sắc màu được tạo thành từ những viên sỏi. “Bức tường của nhà trường giờ cũng trở thành bức tranh sỏi khổng lồ, nhờ sự góp sức của cả phụ huynh”.

Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Si Ma Cai Nguyễn Thị Kiều Oanh nhớ lại, lúc đầu nghe nói đến giáo dục STEM, robot, các thầy cô giáo đều e ngại, cho rằng nó quá xa vời, nhưng sau 3 năm, học sinh tỏ ra rất hào hứng, thầy cô phấn khởi, chịu khó nghiên cứu. Các trường, từ cán bộ quản lý, đều quan tâm hơn đến giáo dục STEM. “Muốn thúc đẩy giáo dục STEM, phải thay đổi tư duy và thực sự quyết tâm. Mặc dù Si Ma Cai là một trong những huyện nghèo nhất cả nước, học sinh chủ yếu là người dân tộc thiểu số, nhưng nhận thấy những ích lợi của giáo dục STEM trong giáo dục toàn diện học sinh, học đi đôi với hành, chúng tôi đã tập trung chỉ đạo các đơn vị trường tổ chức triển khai, lồng ghép trong tất cả hoạt động trải nghiệm. Khó đến đâu gỡ đến đấy. Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo trực tiếp đi nhiều nơi để học hỏi kinh nghiệm tổ chức Ngày hội STEM, đề nghị được các bạn trợ giúp”.

Được biết, huyện Si Ma Cai đã có nghị quyết chuyên đề về giáo dục STEM cho nhiệm kỳ 2020 – 2025. Tỉnh Lào Cai cũng chủ trương thúc đẩy giáo dục STEM mạnh hơn khi cả năm cấp học trên địa bàn từ mầm non cho tới đại học đã được kết nối để tạo thành hệ sinh thái giáo dục STEM…

Với những gì đã và đang diễn ra, các chuyên gia tin chắc rằng, giáo dục STEM ở Si Ma Cai nói chung, các tỉnh miền núi nói riêng, sẽ không dừng lại ở đó.

Bài và ảnh: Nhật Linh

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

VÙNG CAO và AI trí tuệ nhân tạo
Ngày 16/11/2024

VÙNG CAO và AI trí tuệ nhân tạo

Chiều nay 16/11, huyện Na Hang tỉnh Tuyên Quang tổ chức tập huấn online về AI trí tuệ nhân tạo cho giáo viên lần thứ...
Xem chi tiết
HỘI THẢO “GIÁO DỤC STEM BẬC PHỔ THÔNG Ở VÙNG CAO – NÔNG THÔN”: TẠO ĐÀ VƯỢT KHÓ ĐỂ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO
Ngày 06/10/2024

HỘI THẢO “GIÁO DỤC STEM BẬC PHỔ THÔNG Ở VÙNG CAO – NÔNG THÔN”: TẠO ĐÀ VƯỢT KHÓ ĐỂ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO

Ngày 02/10/2024, tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cơ sở Hoà Lạc, Hà Nội, hội thảo "Giáo dục STEM bậc phổ...
Xem chi tiết
Chương Trình Tập Huấn Giáo Viên Huyện Lục Yên – Yên Bái: Nâng Cao Năng Lực Giáo Dục STEM
Ngày 25/08/2024

Chương Trình Tập Huấn Giáo Viên Huyện Lục Yên – Yên Bái: Nâng Cao Năng Lực Giáo Dục STEM

Lục Yên, một huyện miền núi thuộc tỉnh Yên Bái, nằm ở phía Đông Bắc và cách trung tâm tỉnh 90km. Với tổng diện tích...
Xem chi tiết