Nghề truyền thống Dệt thổ cẩm
Dệt, thêu và may là những hoạt động truyền thống lâu đời của người dân Việt Nam, đặc biệt thường được thực hiện thủ công dưới bàn tay khéo léo của phụ nữ ở các làng quê. Kỹ thuật dệt và họa tiết dệt là nét đặc trưng riêng của mỗi dân tộc. Ở Hòa Bình, người dân tộc Mường chiếm 60% dân số và đây cũng là tỉnh có tỉ lệ người Mường sinh sống nhiều nhất cả nước. Huyện Lạc Sơn, nơi có hơn 90% dân số là người Mường, nổi tiếng là một trong bốn vùng Mường trứ danh cả nước – Mường Vang. Nghề dệt thổ cẩm là một trong những nghề truyền thống được người Mường ở Lạc Sơn lưu giữ và phát triển qua nhiều thế hệ.
Bài học STEM thiết kế kĩ thuật trong Dệt
Hội thảo STEM nữ: “Dệt – Lập Trình Của Sợi” lấy cảm hứng từ nghề dệt của người Mường, với mong muốn kết nối truyền thống và hiện đại, nhìn nhận kỹ thuật dệt không chỉ là một hoạt động thủ công mà còn là một thiết kế kỹ thuật tinh xảo. Tại hội thảo, các em học sinh đã có cơ hội quan sát chi tiết và thảo luận về các mẫu hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mường. Các em cũng đã thảo luận về cách ứng dụng khoa học công nghệ trong việc bảo tồn và phát huy nghề dệt truyền thống. Một trong những hoạt động nổi bật và đầy thách thức là trải nghiệm thiết kế mẫu hoa văn theo họa tiết cho trước. Hoạt động này không chỉ khơi gợi sự sáng tạo mà còn giúp các em hiểu rõ hơn về quy trình kỹ thuật trong nghề dệt. Các em đã được giới thiệu về các mẫu họa tiết đặc trưng của người Mường và chế tạo lại những mẫu này bằng giấy màu. Say sưa làm việc nhóm, các em tìm ra quy luật cách đan dây, phối màu và chế tạo được những mẫu hình độc đáo. Nhiều em lần đầu tham gia hoạt động này cho biết việc tiếp cận dệt thổ cẩm theo quy trình thiết kế kỹ thuật đã khiến việc này trở nên hấp dẫn và thú vị hơn.
Vai trò của phụ nữ và trẻ em gái ở nông thôn vùng cao
Phụ nữ và trẻ em gái ở nông thôn, đặc biệt là trong các cộng đồng dân tộc thiểu số như người Mường, luôn giữ vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát triển các nghề thủ công truyền thống. Họ không chỉ là người thực hiện mà còn là người bảo tồn, truyền đạt kỹ năng và kiến thức cho các thế hệ sau. Hội thảo “Dệt – Lập Trình Của Sợi” đã nhấn mạnh vai trò này, khẳng định rằng phụ nữ và trẻ em gái không chỉ có thể tiếp tục các truyền thống văn hóa mà còn có thể đóng góp vào việc hiện đại hóa và cải tiến quy trình sản xuất thông qua các kỹ năng STEM.
Ứng dụng STEM bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống
Hội thảo cũng nhấn mạnh cách mà kiến thức STEM có thể được ứng dụng vào việc bảo tồn và phát huy các nghề truyền thống. Ví dụ, việc sử dụng phần mềm thiết kế để tạo mẫu hoa văn, hay sử dụng máy móc tự động hóa để dệt vải, không chỉ giúp tăng năng suất mà còn mở ra cơ hội mới cho việc sáng tạo và phát triển sản phẩm.
Hội thảo “Dệt – Lập Trình Của Sợi” không chỉ là một sân chơi học thuật bổ ích mà còn là cầu nối giữa truyền thống và hiện đại, giúp các em học sinh hiểu rõ hơn về giá trị văn hóa của dân tộc mình cũng như mở ra những cách tiếp cận mới mẻ trong việc bảo tồn và phát triển các nghề thủ công truyền thống bằng công nghệ hiện đại. Vai trò của phụ nữ và trẻ em gái nông thôn được khẳng định và nâng cao, cho thấy họ hoàn toàn có thể là những người tiên phong trong việc ứng dụng STEM để làm mới và phát triển nghề truyền thống.